Quy trình xuất bản

Bước 1: Kiểm tra chất lượng ban đầu của bài báo

Sau khi tác giả gửi bài, Ban biên tập của Tạp chí sẽ đánh giá về sự phù hợp của bài báo với tôn chỉ, mục đích, phạm vi và thể thức trình bày bài báo theo quy định của Tạp chí; đồng thời kiểm tra các thông tin về quyền tác giả, lợi ích cạnh tranh, đạo đức nghiên cứu và đạo văn. Việc kiểm tra này nhằm đảm bảo sự công bằng và đánh giá một cách kỹ lưỡng công trình nghiên cứu của tác giả.

Bước 2: Đánh giá của Hội đồng biên tập và chuyển phản biện

Sau khi vượt qua giai đoạn 1, bài báo sẽ được thành viên Hội đồng biên tập của Tạp chí thuộc lĩnh vực liên quan cho ý kiến. Nếu được thành viên này đồng ý về nội dung và có thể gửi phản biện, Tạp chí sẽ lựa chọn ít nhất 2 chuyên gia am hiểu lĩnh vực của bài báo và có các công trình khoa học công bố trong lĩnh vực liên quan để đánh giá về bài báo. Các tác giả cũng có thể đề xuất các phản biện cho bài báo nhưng Tạp chí sẽ không nhất thiết lựa chọn các chuyên gia này mà chỉ coi đó là các gợi ý tham khảo. Các tác giả cũng có thể đưa ra tối đa 3 cá nhân/phòng thí nghiệm sẽ không nên phản biện bài báo, những loại trừ này sẽ được tôn trọng. Đây là quy trình phản biện kín, do vậy, cả tác giả và người phản biện sẽ không biết thông tin của nhau (mù đôi).

Bước 3: Phản biện

Các phản biện sẽ đánh giá tính đúng đắn về mặt kỹ thuật và giá trị khoa học của phương pháp nghiên cứu, phân tích và các giải thích của bài báo. Tất cả đều phải phù hợp, chính xác về mặt dữ liệu và tuân theo các quy định về đạo đức nghiên cứu. Các phản biện sẽ gửi Phiếu nhận xét và những góp ý, đánh giá bằng văn bản cho Ban biên tập.

Bước 4: Ra quyết định

Ban biên tập của Tạp chí sẽ quyết định về việc chấp nhận đăng bài báo mà không cần chỉnh sửa gì thêm, hoặc với những chỉnh sửa nhỏ hay chỉnh sửa quan trọng, hoặc từ chối đăng vì những lý do không thể khắc phục.

Thời gian từ khi Tạp chí nhận được bài báo của tác giả đến khi có quyết định cuối cùng trong vòng 60 ngày.

* Nếu có yêu cầu tác giả chỉnh sửa bài báo trong một thời gian cụ thể (deadline), thì tác giả cần chỉnh sửa lại bài báo theo yêu cầu của phản biện, sau đó gửi lại bài đã chỉnh sửa, kèm theo bản giải trình, trong đó chỉ ra từng điểm đã chỉnh sửa và những thay đổi của bài báo sau khi đã chỉnh sửa. Bài báo này sẽ được gửi cho các phản biện xem lại hoặc gửi tới các phản biện mới, tùy theo quyết định của Ban biên tập.

Mỗi bài báo được chấp nhận đăng thường trải qua 1 đến 2 vòng phản biện.

Sau khi bài báo được chấp nhận đăng, tác giả sẽ nhận được một bản thảo trước khi đăng, nhằm kiểm tra lại một cách cẩn thận nội dung và sự chính xác của bài báo trong quá trình chỉnh sửa và biên tập. Ở giai đoạn này, các tác giả chỉ được phép thay đổi về tiêu đề của bài báo, danh sách tác giả hoặc các lỗi mang tính khoa học và tất cả các sửa đổi này phải được Ban biên tập chấp thuận.

Tạp chí sẽ thông báo cho tác giả biết về việc đăng tải bài báo và cấp giấy chứng nhận đăng cho tác giả/nhóm tác giả (nếu cần).

* Nếu bài báo bị từ chối đăng: Quyết định từ chối đăng bài báo có thể xảy ra nếu Ban biên tập Tạp chí nhận thấy không phù hợp đăng tải bài báo đó, ngay cả khi bài báo đã được phản biện đồng ý về nội dung.

Nếu tác giả có bằng chứng rõ ràng rằng quyết định về bài báo bị ảnh hưởng bởi sự hiểu lầm về mặt khoa học, hoặc là sự đánh giá một cách định kiến thì có thể yêu cầu Ban biên tập xem xét lại quyết định từ chối đăng. Nếu trong thời gian đó, Tạp chí phải xử lý nhiều bài gửi đến và do phải tập trung vào việc đảm bảo chất lượng, tiến độ các quy trình xuất bản, thì việc xem xét lại bài báo này sẽ không được ưu tiên như các bài báo thông thường gửi đến. Quyết định cuối cùng sẽ do Ban biên tập của Tạp chí đưa ra. Trong trường hợp này, quyết định chấp nhận đăng chỉ xảy ra khi Ban biên tập bị thuyết phục bởi những bằng chứng cho thấy quyết định lúc đầu là sự sai lầm lớn (ví dụ: phản biện mắc lỗi đáng kể về việc xem xét nội dung bài báo, hoặc có định kiến rõ ràng với nội dung, quan điểm của bài báo) và bài báo được các phản biện (lần thứ 2) chấp thuận.