Thực trạng của người bệnh nuôi ăn qua sonde tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An
Từ khóa:
bệnh nhân nặng, nuôi ăn qua sonde, suy dinh dưỡngTóm tắt
Nuôi ăn qua sonde là một phương pháp nuôi dưỡng người bệnh nặng, giảm nguy cơ nhiễm trùng, sử dụng chức năng ruột bình thường, tránh teo nhung mao, giảm khả năng mất cân bằng điện giải, tiết kiệm kinh tế và an toàn. Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát thực trạng của người bệnh nuôi ăn qua sonde tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Nghiên cứu sử dụng phương pháp tiến cứu mô tả trên 255 người bệnh từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2022, tại các Khoa: Hồi sức Tích cực, Hồi sức Tích cực Ngoại khoa, Chống độc, Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bỏng, Ngoại tiêu hóa và Trung tâm Đột quỵ. Kết quả cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng đánh giá theo chỉ số khối cơ thể (BMI) là 14,5%, chỉ số chu vi vòng cánh tay (MUAC) là 6,7%, đánh giá tổng thể tình trạng dinh dưỡng theo chủ quan (SGA) là 54,9% (điểm SGA mức B và C), chỉ số albumin huyết thanh 79,2%. Tỷ lệ ngày đầu nuôi dưỡng qua sonde kết hợp tĩnh mạch chiếm 45,9%, ngày thứ 7 còn 8,2%. Ngày đầu can thiệp, tỷ lệ bệnh nhân cung cấp năng lượng ở mức đáp ứng thiếu chiếm 18,8%, đáp ứng đủ 56,1%, đáp ứng thừa 25,1%; ngày thứ 7 sau can thiệp, tỷ lệ bệnh nhân cung cấp thiếu năng lượng chiếm 38,4%, đáp ứng đủ chiếm 55,7%, đáp ứng thừa chiếm 5,9%. Ngày đầu tổng năng lượng đạt 75,5%, ngày thứ 7 đạt 85,9% nhu cầu khuyến nghị. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của người bệnh khi nhập viện khá cao (đánh giá theo SGA là 54,9% và chỉ số albumin 79,2%), phần lớn người bệnh được cung cấp năng lượng đủ nhu cầu khuyến nghị, những ngày đầu tỷ lệ người bệnh nuôi dưỡng phối hợp tĩnh mạch và tiêu hóa cao, sau đó giảm dần nuôi dưỡng tĩnh mạch, chuyển sang nuôi dưỡng tiêu hóa hoàn toàn.
DOI:
https://doi.org/10.31276/VJST.65(5).15-19Chỉ số phân loại
3.2
Tải xuống
Đã xuất bản
Ngày nhận bài 8/12/2022; ngày chuyển phản biện 12/12/2022; ngày nhận phản biện 6/1/2023; ngày chấp nhận đăng 9/1/2023