Mô tả đặc tính hình thái và sinh học của một số dòng lúa cỏ phổ biến vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Từ khóa:
cỏ dại, dịch hại trên lúa, hình thái, lúa cỏ, lúa đỏTóm tắt
Xu hướng thâm canh tăng vụ, cơ giới hóa, sử dụng giống kém chất lượng và chuyển đổi biện pháp canh tác lúa từ phương pháp cấy sang sạ thẳng nhằm đáp ứng an ninh lương thực và xuất khẩu là những nguyên nhân làm lây lan dịch hại lúa cỏ (Oryza sativa f. spontanea) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những năm gần đây. Nghiên cứu và khảo sát các đặc tính nông học, hình thái, sinh lý giúp nhận dạng, phân tích và phân biệt lúa cỏ trên thực tế đồng ruộng là việc làm hết sức cấp thiết. Trong tổng số 28 dòng lúa cỏ được trồng, chọn lọc và quan sát từ 248 mẫu lúa cỏ thu thập tại các vùng sản xuất lúa chính ở ĐBSCL, có 12 dòng lúa cỏ với những đặc điểm hình thái và sinh học khác biệt nhau, có thể phân biệt giữa các dòng lúa cỏ và lúa trồng như: thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, màu sắc và hình dạng lá, màu sắc và dạng thân, hạt có râu/đuôi, màu sắc vỏ trấu, chiều dài hạt, màu vỏ lụa. Những đặc điểm chính này có thể được sử dụng để phân biệt và nhận dạng các dòng lúa cỏ với các giống lúa trồng ở những giai đoạn sinh trưởng khác nhau trên đồng ruộng. Tuy nhiên, có một số dòng lúa cỏ có những đặc điểm hình thái và sinh học quan trọng tương tự lúa trồng như: thời gian sinh trưởng ngắn hoặc tương đương, chiều cao cây thấp hơn hoặc tương đương,
có màu vỏ trấu và dạng hạt giống nhau. Những dòng lúa cỏ này sẽ rất khó phân biệt trên đồng ruộng dẫn đến có khả năng trở nên phổ biến và khó kiểm soát trong sản xuất lúa ở ĐBSCL.
DOI:
https://doi.org/10.31276/VJST.65(2).33-40Chỉ số phân loại
4.1
Tải xuống
Đã xuất bản
Ngày nhận bài 30/5/2022, ngày chuyển phản biện 2/6/2022, ngày nhận phản biện 20/6/2022, ngày chấp nhận đăng 24/6/2022